Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Đáp án Thi nâng bậc nghề CBKT - Kỳ III

BẬC 5:
Hiểu:
Câu 1: Biểu hiện của cây thuốc lá bị thừa đạm, thiếu lân cách xử lý.
Trả lời: như câu Hiểu 3-bậc 4
Câu 2: Biểu hiện của cây thuốc lá bị hạn (thiếu nước).
Trả lời: như câu Hiểu 4-bậc 4

Câu 3: Biểu hiện của cây thuốc bị thiếu Kaly, cách xử lý
Trả lời:
Kali ảnh hưởng chủ yếu đến phẩm chất của lá thuốc. Thiếu kali phiến lá bị nhăn nhúm, gợn sóng, mép lá cong xuống, ngọn và mép lá biến vàng và khô. Sau khi sấy lá có màu vàng nâu, độ dẻo giảm, dễ bị rách nát, độ cháy giảm. Đủ kali làm tăng hàm lượng hydratcarbon và nâng cao chất lượng chấy của lá thuốc.
Thiếu K thường xảy ra khi trồng thuốc lá trên đất cát (đất nghèo K, diinh dưỡng dễ bị rữa trôi). Đất bón nhiều đạm NH4+ (do đối kháng ion).
Cách xử lý: Bổ sung kaly trước mắt bằng biện pháp phun KNO3 2% qua lá vào buổi sáng, đồng thời bón bổ sung 100 – 150 kg K2SO4/ ha.

Câu 4: Giải thích nguyên lý thẩm thấu tế bào và suy ra cách bón phân hóa học khoa học cho cây thuốc lá. Trả lời: như câu Hiểu 5-bậc 4

Câu 5: Hiện tượng, nguyên nhân và bản chất cháy sinh lý của lá thuốc trong quá trình bảo quản.
Trả lời:
Thuốc lá bị cháy sinh lý là hiện tượng lá thuốc khô bị hoá thành than do cháy yếm khí trong quá trình bảo quản của một khối lá. Quá trình này được chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn đầu là quá trình thủy phân Cenlulo và các vật chất trong lá thành các polyphenol có màu nâu, đồng thời tỏa nhiệt. Quá trình này xảy ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào hàm lượng nước trong lá nhiều hay ít. Qua trình này tỷ lệ thuận với thủy phần.
- Giai đoạn sau là quá trình cháy yếm khí. Khi nhiệt lượng tỏa ra ở giai đoạn thủy phân không được khếch tán ra bên goài sẻ làm khối lá ngày càng nóng lên và sẻ phân hũy các polyphenol thành than (C) có màu đen.
Khi bốc một lô thuốc bị cháy sinh lý ta thường thấy, xung quanh có thể còn bình thường, càng vào trung tâm lô lá càng sậm màu và nóng dần, vùng trung tâm (nơi phát sinh cháy) rất nóng và có màu nâu sẫm, thậm chí nâu đen hoặc đen. Điều này có nghĩa là vùng trung tâm đang ở giai đoạn sau, vùng xung quanh đang ở giai đoạn đầu. Hiện tượng phenol hóa cũng thường gặp ở một số lá có cuộng bị ẩm trong quá trình bảo quản, phiến lá vẫn bình thường nhưng cuộng lá có màu nâu đen, mềm dẻo.
Các lá bị cháy sinh lý có chất lượng rất kém (Phenol hóa), thậm chí không còn giá trị sử dụng (Đã thành than hoàn toàn hay chưa hoàn toàn).
Thủ phạm chính của hiện tượng cháy sinh lý là ẩm độ trong lá và nhiệt độ phát sinh thái quá. Để tránh hiện tượng cháy sinh lý trong quá trình bảo quản lá nguyên liệu, cần phải đảm bảo sự thông thoáng của khối lá và duy trì ẩm độ của lá không vượt quá mức cho phép. (Theo qui định A0 lá nguyên liệu ≤ 13%. Nếu phải bảo quản trong thời gian dài cần bảo quản trong kho có thiết bị điều khiển ẩm độ, nhiệt độ và thông gió bằng thiết bị chuyên dùng.

Câu 6: Trong tổ của bạn có người bị bệnh đột xuất, phải nghỉ làm 1 tháng. Bạn đó phụ trách chỉ đạo kỹ thuật 30 ha. Hãy xử lý tình huống này.
Trả lời: Tùy thuộc vào tình hình đồng ruộng và giai đoạn sinh trưởng của cây trồng mà linh động giải quyết.
- Nếu rơi vào giai đoạn cây sinh trưởng mạnh, trên đồng xuất hiện sâu bệnh với áp lực cao, thì chia số diện tích của nhân viên đó cho những người còn lại trong tổ quản lý kể cả cho tổ trưởng. Sự phân chia phải thuận lợi cho sự quản lý của các nhân viên còn lại.
- Nếu không rơi vào các giai đoạn nhạy cảm thì tổ trưởng nên xắp sếp công việc để quản lý thay. Khi bận thì phải phân công những người khác quản lý trong một thời điiểm nào đó.
- Khi bình xét thi đua, cần lưu ý đến tinh thần đoàn kết tương thân này.


Câu 7: Tổ của bạn có 5 người, chỉ đạo kỹ thuật 150 ha, nếu là tổ trưởng bạn tổ chức thực hiện như thế nào?
Trả lời: Tổ chức thực nhiện chỉ đạo sản xuất 150 ha.
Hợp tổ bàn các vấn đề sau:
- quán triệt Nội qui làm việc theo qui định của Công ty.
- quán triệt Chủ trương chính sách đầu tư trong vụ của Công ty.
- Phân công lao động.
- Trên cơ sở chính sách đầu tư của Công ty, Lập kế hoạch sản xuất, trình Công ty phê duyệt.
Tổ chức thực hiện:
- Trên cơ sở đã phân công lao đông, tiến hành đi đăng ký diện tích.
- Điều tra ruộng trồng và thông tin nông dân với các mục sau:

C.TY TLNL KHATOCO PHIẾU ĐIỀU TRA ĐỒNG RUỘNG VỤ 2010 - 2011
TỔ:…………………..

Họ và tên nông dân: Số Điện thoại:
Địa chỉ:
Số lao động trong độ tuổi:……người. Tình hình kinh tế gia đình:………………
Số lò sấy: kích thước lò sấy 1. ..……x…….. 4. ......
2. ..……x…….. 5. ......
Chỉ tiêu điều tra

1. Diện tích HĐ:
- Thửa 1: Vùng trồng: ...... Đánh giá đất: T/p cơ giới, độ mùn:
Cây trồng vụ trước: .............................
- Thửa 2: ............... như trên ..............................
- Thửa 3: .......................................................
2. Đánh giá khả năng thưc hiện hợp đồng
3. Lập bảng dự trù đầu tư vật tư ( giống, phân bón, thuốc BVTV, tiền mặt ....) và lò sấy ( nếu có ) hoặc sửa chửa lò sấy
4. Đề xuất phát sinh ( tăng lượng phân bốn ... ) nếu có
Chú ý : mục 2,3,4 được cập nhật sau khi đã có chữ ký của hộ nông dân trong phiếu điều tra.

Chữ ký hộ nông dân Chữ ký cán bộ điều tra


Tổ trưởng tổng hợp tất cả các phiếu điều tra, họp trao đổi với tất cả thành viên trong tổ và làm báo cáo gởi công ty.Sau khi kế hoạch được công ty đồng ý Tổ trưởng báo cáo để chính quyền địa phương ( UBND, phòng nông nghiệp ... )


• Nội dung bảng kế hoạch đầu tư sản xuất:
1. Diện tích – năng suất – sản lượng:
- Địa bàn đầu tư
- Số hộ
- Diện tích đăng ký
- Năng suất dự kiến
- Sản lượng dự kiến
2. Giá trị đầu tư:
- Định mức đầu tư /ha.
- Tổng mức đầu tư.
- Dự trù đầu tư phát sinh (Hệ thống nhiệt bầu đốt…).
- Hình thức đầu tư: Trực tiếp – gián tiếp.
3. Giải pháp thực hiện:
- Đầu tư – Quản lý kỹ thuật: Hướng dẫn kỹ thuật, các qui tình bắt buộc, xử lý vi phạm.
- Nhân sự – Phân công lao động.
- Lập bảng dự trù vật tư và kế hoạch nhập – xuất vật tư.
- Văn phòng, kho tàn.
- Kế hoạch gieo trồng.
- Phương án thu hồi vốn đầu tư, thu nợ củ (nếu có)
4. Kế hoạch bao tiêu sản phẩm:
- Dự kiến thời gian thu hoạch – thu mua.
- Phương án thu mua – Phân cấp – Giao nhận sản phẩm.
- Kế hoạch tài chính.
5. Thời gian thực hiện:
- Thời gian đăng ký diện tích.
- Thời gian hoàn thành xong Hợp đồng đầu tư.
- Thời gian tổ chức gieo – trồng.
- Thời gian thu mua.
6. Kiến nghị:

Biết:
Câu 1: Ảnh hưởng của quá trình ra hoa, kết trái đến chất lượng lá của cây thuốc lá. Như câu Biết 5- bậc 3
Câu 2: Hướng dẫn kỹ thuật xây lò sấy cho nông dân. Như câu Biết 4-bậc 4

Câu 3: Khi ruộng trồng lá thuốc bị hạn, trước khi sấy, bạn xử lý như thế nào để hạn chế thiếu độ ẩm khi sấy?
Trả lời: Thu hái trong điều kiện khô hạn, cây bị thiếu nước:
- Vào lò dày hơn.
- Làm ẩm nền lò bằng cách tưới nước vào nền lò hoặc rãi bao bố ẩm trên nền lò. Cuối giai đoạn ủ vàng lấy bao bố ra.
- Ủ vàng ở nhiệt độ thấp (32 – 330C).
- Kèo dài thời gian ủ vàng bằng cách tăng nhiệt độ từ từ và chậm lại.

Câu 4: Khi ruộng trồng quá độ ẩm cho phép, bạn xử lý như thế nào trước khi sấy?
Trả lời: Thu hoạch sau khi tưới hoặc sau mưa, lá mọng nước
- Cẩn thận trong khâu vận chuyển, vì lá rất dễ bị dập nát.
- Ghim xong nên treo lên giàn ở lán trại cho ráo nước. Vào lò thưa hơn.
- Ủ không đóng cửa, nâng nhanh nhiệt độ lên 380C và kéo dài cho đến khi lá bớt căng nước thì đóng cửa sấy như bình thường.
- Nếu lá chuyển vàng đều thì chuyển qua giai đoạn cố định màu, kéo dài nhiệt độ ở 43 – 450C.

Câu 5: Một hộ dân bón thúc phân hóa học cho cây thuốc để xảy ra hiện tượng cây bị héo sau khi bón phân, bạn xử lý như thế nào? Nguyên nhân?
Trả lời:
Ngay sau khi bón phân cây bị héo là do bón phân chạm vào rễ làm cho nồng độ muối khoáng tại vùng tế bào lông hút của rễ quá cao gây ra hiện tượng co nguyên sinh (Tế bào lông hút bị mất nước do nước trong tế đi ra môi trường ưu trương). Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm cho rễ bị khô và cây sẽ bị héo do mất nước, nếu tếp tục kéo dài cây sẻ chết.
Khi xác định cây bị héo do ngộ độc phân bón thì phải tiến hành tưới nước ngay. Lượng nước tưới phải đủ nhiều để các phân tử muối khoáng khuếch tán ra khỏi vùng rễ, làm giảm nồng độ tại vùng rễ thì tế bào rễ sẻ dần dần hồi phục lại. Chú ý tránh làm cho cây bị ngập úng.

Câu 6: Giống K326 đã trồng được 90-100 ngày, bạn hãy họp bộ phận mình phụ trách để chỉ
đạo công việc
Trả lời:
Đối với giống K326 khi đã trồng 55 – 60ngày thì bắt đầu thu hái. Khi được 90 – 100 ngày thì đây là lúc đã thu hoạch được 30 – 40 ngày (thu hoạch được 6 – 7 lần). Lúc này việc thu mua đã được triễn khai khoảng hơn 1 tháng, họp tổ để đánh giá kết quả đã thu mua, tiến độ thu hồi công nợ, kiểm tra lượng hàng mua được của từng hộ nông dân ( đối chiếu với diện tích, sản lượng dã ký hợp đồng), tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh, nợ khó đòi. Tiếp tục chỉ đạo theo dõi các hộ còn đang sấy.
Chú ý quản lý hàng hóa đã thu mua nhập kho và hàng còn trong dân không để thất thoát, xử lý các tồn tại phát sinh trong thu hoạch, sấy, thu mua

Câu 7: Xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình sấy như thừa thuốc, nhiệt độ trong lò không đều, sống cọng....
Trả lời:
- Thừa thuốc: Yêu cầu phải có lán đợi. Tiến hành gác thuốc ở lán đợi cho đến khi lá thuốc bắt đầu héo rũ thì có thể đưa thuốc vào lò dầy hơn bình thường. Chú ý trong khâu thoát ẩm.
- Nhiệt độ trong lò không đều: Tiến hành cân thăng bằng hệ thống nhiệt, làm kín các khớp nối của ống lò. Nếu gió to thì đóng bớt các cửa hút phía hướng gió hoặc dùng bạt che chắn lò sấy phía hướng gió.
- Sống cộng: Trong quá trình tuốt ghim kiểm tra nếu phát hiện có thuốc sống cọng, tiến hành nhặt để riêng và bó thành bó nhỏ bằng nắm tay, bó ở phía đuôi lá. Sẽ gác vào sào và vào lò kế tiếp ở giai đoạn sấy khô cọng.

Làm được:
Câu 1: Kỹ thuật thu hoạch lá đến vào lò và sấy xong 1 mẻ thuốc. như Làm được câu 2- bậc 4

Câu 2: Mô tả kỹ thuật làm vườn ươm, chăm sóc cây con ở vườn ươm và bầu. như Biết câu 1- bậc 1 và Làm được câu 2 bậc 2
Câu 3: Mô tả kỹ thuật thu hái, xâu ghim, buộc sào, vào lò và quy trình sấy thuốc lá. Như Làm được câu 2- bậc 4

Câu 4: Xây dựng các biện pháp kỹ thuật để ruộng thuốc lá có năng suất cao, chất lượng tốt từ gieo ươm đến sấy.

Trả lời: Như các biện pháp kỹ thuật công ty đã quy định, chỉ cần áp dụng nghiêm ngặt hơn và đòi hỏi thêm các yêu cầu sau:

1- Sản xuất cây con đạt tiêu chuẩn: Người nông thường chủ quan trong việc sản xuất cây con, nên thường phải trồng những cây con không đạt tiêu chuẩn, gây khó khăn trong công tác chăm sóc ngoài đồng ruộng. Cây con đủ về số lượng, đẩm bảo về chất lượng là tiền đề cho một vụ mùa thành công. Vì vậy cần đưa qui trình sản xuất con giống thành qui trình tiêu chuẩn bắt buộc. Cây con phải là cây cấy bầu
2- Chọn đất trồng: Chọn đất có các yếu tố chính, phù hợp với yêu cầu của cây thuốc lá như:
- Xác định thành phần cơ giới: Chỉ sử dụng 3 loại, đất cát, cát pha thịt, thịt pha cát.
- Độ dốc < 50 để có thể làm đất và thực hiện các biện pháp canh tác đồng đều.
- Đo độ dày tầng canh tác tốt nhất ≥ 35cm. Tầng đế cày thoát nước tốt.
- Phân tích độ mùn: Độ mùn thích hợp từ 0,8 – 1,5 %. Không nên chọn đất độ mùn ≥ 2% .
* Các yếu tố khác có thể điều chỉnh như:
- Đo pH đất: Lý tưởng là 5,5 – 6,2 . Đất có pH < 5,5 thì bón vôi. Việc tính toán chính xác lượng vôi cần bón rất phức tạp, thông thường muốn nâng 1 độ pH đất thì bón khoảng 500 kg vôi nung/ ha. Không bón quá 1000 kg CaO/ ha. Vì vậy không chọn đất có độ pH < 3,5.
- Clor < 50ppm. Bón vôi cũng sẻ khắc phục được tác hại của việc thừa Clor.
3- Nước tưới: Phải đáp ứng đủ nguồn nước sạch để tưới cho cây, nhất là giai đoạn sinh trưởng phát triển mạnh cần 350 – 400m3/ lần tưới.
4- Chống úng: Trong thực tế sản xuất thường xuất hiện những đám ruộng bị ngập úng khi gặp mưa, làm cho cây khó phục hồi, giảm năng suất chất lượng, thậm chí mất trắng. Vì vậy thiết kế đồng ruộng để chống úng cho cây là biện pháp bắt buộc. Đề phòng thiệt hại do ngập úng gây ra cần:
- Chọn ruộng có khả năng thoát nước bề mặt tốt. Nếu không rõ khả năng thoát nước cục bộ thì đầu tư các mương thoát nước.
- Trồng thuốc lá trên các luống cao và duy trì độ cao của luống bằng các biện pháp vun xới luống cao ngay từ đầu cho đến lần vun cuối cùng luống phải đạt yêu cầu cao, rộng, phẳng.
Thực hiện công tác ngắt ngọn hãm chồi trong qui trình kỷ thuật một cách nghiêm ngặt.
5- Thu hoạch đúng độ chín. Lò sấy đúng tiêu chuẩn, sấy đúng công suất lò, lò phải đảm bảo công tác PCCC.
6- Hàng năm, cần lấy mẫu phân tích các chỉ số dinh dưỡng chính trong đất trồng. Từ đó đưa ra công thức phân bón phù hợp cho từng vùng trồng. Các chỉ tiêu đó là: N, P2O5, K2O và mùn.
7- Phân bón: Để ruộng có năng suất cao, chất lượng tốt phân bón phải đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của cây, phải nắm bắt được các triệu chứng biểu hiện hình thái dinh dưỡng của cây để bổ xung phân bón đúng, kịp thời. Nói cách khác phải nhìn cây, nhìn đất mà bón phân
8- Việc phòng trừ sâu bệnh áp dụng nguyên tắc IPM
BẬC 6:
Hiểu:
Câu 1: Hiện tượng, nguyên nhân và bản chất cháy sinh lý của lá thuốc trong quá trình bảo quản.
Trả lời: Như câu Hiểu 5-bậc 5.

Câu 2: Trong tổ của bạn có người bị bệnh đột xuất, phải nghỉ làm 1 tháng. Bạn đó phụ trách chỉ đạo kỹ thuật 30 ha. Hãy xử lý tình huống này. Trả lời như Hiểu câu 6 – bậc 5

Câu 3: Tổ của bạn có 5 người, chỉ đạo kỹ thuật 150 ha, nếu là tổ trưởng bạn tổ chức thực hiện như thế nào? Trả lời như Hiểu câu 7 – bậc 5

Câu 4: Khi đọc tài liệu, bạn phát hiện ở nơi khác có giống mới có năng suất, chất lượng cao, vậy làm thể nào để áp dụng ở vùng đơn vị đang sản xuất?
Trả lời: Khi phát hiện có giống mới có năng suất chất lượng cao thì cần:
- Báo về lãnh đạo và bộ phận kỹ thuật của đơn vị.
- Nếu đơn vị nhập về, trước khi đưa ra sản xuất đại trà cần, thực hiện khảo nghiệm về tính phù hợp với vùng đang sản xuất (ít nhất là ba điểm), qua đó rút ra các biện pháp canh tác phù hợp. Tiếp tục thực hiện trình diễn và tổ chức hội nghị đầu bờ để nông dân tiếp cận làm quen với giống mới.

Câu 5: Cách bảo quản thuốc lá kiện trong kho, giải thích từng yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng lá thuốc trong quá trình bảo quản.
Trả lời:
- Thuốc lá nguyên liệu phải được bảo quản trong kho dành riêng cho thuốc lá.
- Trước khi nhập thuốc mới dọn kho sạch sẻ, các tàn dư phải được đốt tiêu hủy và tiến hành khử trùng (Hợp đồng với các Đơn vị khử trùng chuyên nghiệp)
- Kiện phải được đóng gói đúng qui cách (75cm x 55cm x 40cm) để tiện cho việc tính toán diện tích sắp xếp. Vật liệu đóng gói phải đảm bảo thoáng để đảm bảo lá trong kiện thoát ẩm tốt, không rách nát và được khâu kín với khoảng cách 10cm 1 mũi để kiện không bị biến dạng trong quá trình bốc xếp di chuyển.
- Kiện phải được gắn nhãn hiệu (thẻ) ghi rõ đơn vị nhập, vùng sản xuất, cấp loại, trọng lượng, ngày đóng gói để tiện cho việc xuất chế biến.
- Kiện thuốc phải được xếp trên các giá gỗ cách mặt nền 15 – 20cm, cách tường 50cm. Mục đích để tạo sự thông thoáng cho lô thuốc. Trong quá trình bảo quản lá thuốc sẻ thoát ẩm, khi có khoảng tróng tốt thì hơi nước không tập trung ở lô thuốc, sẻ giảm được khả năng sinh nấm mốc.
- Kiện được xếp thành từng lô 10 – 15m2 theo cấp loại và theo từng vùng. Mỗi lô thuốc xếp cao không quá 7 lớp để tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho việc sử lý thuốc khi xuất hiện mốc mọt…..
- Các lô thuốc xếp ngay thẳng, có lối đi khoảng 1m để tiện việc kiểm tra định kỳ.
- Trong kho phải đặt các biển báo ghi rõ ngày đảo kiện, tình trạng thuốc cho từng lô để thuận lợi cho việc quản lý.
- Trong thời gian bảo quản phải thường xuyên kiểm tra độ ẩm trong lô, nhiệt độ trong kiện, tình hình sâu mọt, nấm mốc. Trong điều kiện nắng nóng kiểm tra 1tuần/ lần. Trong điều kiện bình thường, nếu độ ẩm > 15%: 10 – 15ngày đảo kho/ lần; độ ẩm < 15% : 30này đảo/ lần.
- Đặt bẫy dẫn dụ sinh học ở vị trí thích hợp trong kho để theo dõi, điều tra mật độ côn trùng gây hại.
- Khi phát hiện thuốc lá trong kho nhiễm nấm móc, sâu mọt thì cần tiến hành ngay:
+ Cách ly lô nhiễm.
+ Đối với nấm móc có thể xử lý bằng cách phun dung dịch acid acetic 0,5% hoặc acid benzoic 0,2% , ủ trong 2 giờ sau đó sấy lại ở 60 – 65 0C.
+ Đối với sâu mọt thì phải mời các Đơn vị khử trung chuyên nghiệp tới xử lý.

Câu 6: Bản chất của quá trình sấy thuốc lá.
Trả lời:
Bản chất của quá trình sấy là tạo điều kiện nhiệt độ và ẩm độ để thúc đẩy một số biến đối hóa học và sinh học theo ý muốn với mức nhiên liệu tối thiểu và duy trì được chất lượng lá trong suốt thời gian sấy. Sấy không chỉ đơn thuần làm khô lá. Nó có quan hệ đến lý hóa tính của lá để cho chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của sản xuất thuốc lá điếu và người tiêu dùng.
Sự chuyển hóa trong quá trình sấy quan trọng nhất là:
- Sự chuyển vàng xảy ra khi diệp lục tố (sác tố màu xanh trong lá) bị phân hủy hay mất đi dưới tác động của men Chlorophyllase. Hoàng tố (Carotenoid) có từ đầu, xuất hiện càng lúc càng rõ dần. Lượng diệp lục tố trong lá phụ thuộc vào giống, thời tiết, phân bón, độ chín của lá… Tuy nhiên, tốc độ mất màu xanh sẻ tăng lên trong quá trình lá mất một phần nước. Quá trình này còn tiếp tục xảy ra nếu lá còn đủ nước để duy trì sự sống.
- Một sự chuyển hóa quan trọng nữa là, tinh bột thủy phân dưới tác động của Amylase thành đường glucose. Qua hô hấp một phần glucose chuyển thành đường fructose. Sau đó fructose kết hợp với glucose thành đường sucrose. Vì vậy, lượng tinh bột giảm dần theo thời gian và lượng đường tổng số tăng lên. Protein chuyển hóa thành các amino acid tự do. (Các amino acid tác dụng với đường hình thành nên hợp chất Amadori & Maillard ở giai đoạn nhiệt độ cao hơn, đây là hợp chất tạo nên mùi vị và hương thơm đặc trưng của thuốc lá)

Đây là 2 pha chuyển hóa trong quá trình ủ vàng: Pha chuyển màu và pha chuyển hóa vật chất. Hai pha này diễn ra cùng một lúc nhưng hoàn toàn độc lập nhau. Có thể nhìn vào sự chuyển vàng để biết sự chuyển sự chuyển hóa vật chất trong lá. Tuy nhiên ở một số giống diễn biến của hai pha này lệch nhau, chuyển hóa vật chất chậm hơn chuyển vàng, như giống K149, PVH51….
Mức độ chuyển màu, phân giải các vật chất trong lá phụ thuộc vào:
- Hàm lượng nước trong lá: Lá mất đi 10 – 20% nước (lá hơi héo)
- Nhiệt độ và ẩm độ môi trường: t0 = 25 – 38 0C, A0 = 80 – 86%.
- Hoạt tính của các loại men trong lá: Lá phải còn sống.
- Mứt độ thông thoáng của lá thuốc: Thông thoáng để lá thoát hơi nước, CO2 và nhiệt độ.
Với bản chất của sấy như vậy, thì việc điều hành sấy tốt cũng chỉ làm cho lá thể hiện hết những đặc tính tốt tiềm năng của nó mà thôi. Chất lượng của lá nguyên liệu là do canh tác trên đồng quyết định, điều hành sấy tốt cũng không thể khắc phục được những sai sót do canh tác trên đồng ruộng gây ra.

Câu 7: Côn trùng gây hại thuốc lá trong kho và biện pháp phòng trừ
Trả lời:

1/ Mọt hại thuốc lá: Lasioderma serricorne Fabricius
Mọt trưởng thành hình hạt đậu nhỏ, mầu nâu đỏ, có tính giả chết, kích thước của con đực là 2,5mm con cái là 3mm, nặng 1,6 – 4,4 mg, bụng có nhiều lông bao phủ, cổ bẻ rộng, hốc trước cổ lõm để đầu có thể thụt vào. Trưởng thành có thể sống 2 – 7 tuần và có thể bay xa tới 3 km. con cái đẻ 20 – 119 trứng rải rác, trứng màu trắng, kích thước 0,4 – 0,5 mm. Sâu non nở sau 6 -20 ngày, có 4 tuổi và thời kỳ sâu non khoảng 29 – 70 ngày. Sâu non dạng sùng với 6 chân phía trước màu trắng và có nhiều lông nhỏ, có tập tính cuộn tròn lại khi có động. Sâu non ưa thích ăn và gây hại thuốc lá (lá khô, hạt…)Với thức ăn trung bình 3 – 5 gr/ con. Ngoài tác hại trực tiếp, chất thảy của mọt còn gây ô nhiểm nghiêm trọng trong sẩn phẩm. Mọt có khả năng tăng trưởng về mật độ tới 20lần/ tháng (1 đôi mọt sau 4 tháng có khả năng tăng đến 2000 con). Mọt trưởng thành ưa thích tối và hoạt động mạnh về đêm. Cần lưu ý mọt ưa thích thuốc có hàm lượng đường cao, nicotin thấp nhưng vẫn gây hại khi hàm lượng đường tới trên 4%.
Phòng trừ: Thường xuyên kiểm tra kho thuốc để phát hiện và xử lý diệt mọt kịp thời bằng các loại thuốc xông hơi như: Methyl bromide, phosphine PH3….Liều lượng hướng dẫn tuỳ thuộc vào hàm lượng chất hữu hiệu có trong thuốc và phải do chuyên viên đãm trách.
2/ Ngài sâu mềm hại thuốc lá: Ephestia ellutella hubner
Đây là loại côn trùng bộ Lepidoptera, họ Pyralidea. Trưởng thành là loại bướm nâu xám nhỏ, kích thước 5 – 6 mm và sải cánh 14 – 15 mm, là loại không ăn thêm, ưa hoạt động nơi thiếu ánh sáng, khả năng đẻ tới 200 trứng và có thể 3 – 4 lứa/ năm.
Trứng có kích thước 0,3 x 0,5 mm, ban đầu có mầu trắng sau đó có mầu vàng, sâu non thường ăn thuốc lá khô, có nhiều mầu sắc, đầu nâu đỏ, thân có đốm nâu dọc theo lưng khi hết tuổi, sâu hoá nhộng mầu nâu.
Phòng trừ: Như mọt hại kho nêu trên.

3/ Mốc trắng hại thuốc lá nguyên liệu:
Đây là bệnh hại thuốc lá nguyên liệu sau sấy và cả thuốc lá điếu. Ở nước ta do khí hậu nóng và ẩm thuốc lá nguyên liệu bị mốc hầu như không còn khả năng sử dụng và còn gây hại cho người sử dụng.
Cách phòng chống mốc là giữ kho luôn khô ráo, duy trì nhiệt độ và ẩm độ phù hợp. Thường xuyên đảo kiện khi thấy nguyên liệu bóc nóng, vệ sinh sạch kho tàn sau mỗi vụ. Khi nhiễm nấm mốc, dùng acid acetic 0,5 % phun rồi ủ trong 2 giờ sau đó sấy lại ở 60 – 65 %.

Biết:
Câu 1: Khi ruộng trồng lá thuốc bị hạn, trước khi sấy, bạn xử lý như thế nào để hạn chế thiếu độ ẩm khi sấy? như Biết câu 3-bậc 5.

Câu 2: Khi ruộng trồng quá độ ẩm cho phép, bạn xử lý như thế nào trước khi sấy?như Biết câu 4 bậc 5

Câu 3: Một hộ dân bón thúc phân hóa học cho cây thuốc để xảy ra hiện tượng cây bị héo sau khi bón phân, bạn xử lý như thế nào? Nguyên nhân? Như Biết câu 5-bâc 5.

Câu 4: Giống K326 đã trồng được 90-100 ngày, bạn hãy họp bộ phận mình phụ trách để chỉ đạo công việc. như Biết câu 6 - bậc 5.

Câu 5: Hộ nông dân tưới quá nhiều nước cho ruộng trồng thuốc lá, làm sao để hạn chế tổn thất?
Trả lời:
- Sai sót này trước tiên là ý thức chủ quan của hộ nông dân. Thứ hai là khâu thiết kế đồng ruộng, không làm mương tiêu nên khi cần thiết không tiêu nước được. Nếu phát hiện nguy cơ ngập úng phải tiến hành đầo mương thoát nước ngay.
- Khắc phục:
Nếu xác định còn cứu vãn được thì khi đất vừa ráo nước tiến hành cày xả mép luống (bằng trâu bò, cuốc) phơi trong vài ngày cho đất khô hẳn (thải khí độc, thoáng khí có oxy cho cây trao đổi chất nhanh ra rễ mới), tưới dung dịch phân (200gr phân DAP + 100gr KNO3 + 20ml Root2 /20 lít nước), xới xáo vun gốc lại. Đồng thời trên lá phun thuốc kích thích rễ + Aliette ( hoặc Agrifos 400) cho cây ra rễ mới đồng thời phòng bệnh cho cây.
Nhìn chung, vấn đề này còn phụ thuộc vào thời gian ngập úng, giai đoạn sinh trưởng của cây. Tùy tình hình thực tế mà linh động giải quyết.

Câu 6: Bạn hãy đề xuất giải pháp phù hợp tình hình thực tế trong đầu tư trồng, thu mua sản phẩm, thu nợ đối với cây thuốc lá ở vùng bạn đã trực tiếp thực hiện.
Trả lời: Các giải pháp trong đầu tư, thu mua, thu hồi công nợ trong tình hình cạnh tranh gây gắt giữa các đơn vị đầu tư, giữa cây thuốc lá với các cây trồng khác như hiện nay:
1- Xác định địa bàn nguyên liệu trọng điểm để xây dựng kế hoạch đầu tư lâu dài.
2- Chọn vùng đất trồng có tiềm năng – Chọn hộ nông dân có tinh thần hợp tác.
3- Điều chỉnh thời vụ thích hợp – ít nguy cơ rũi ro nhất.
4- Xây dựng chế độ đầu tư hợp lý trên cơ sở các số liệu điều tra đất trồng và thông tin nông dân. Tìm nguồn vật tư có chất lượng – giá rẻ để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh với các đơn vị đầu tư khác.
5- Quản lý chặt chẻ “Quy trình kỹ thuật sản xuất thuốc lá”.
6- Xây dựng cơ chế giá hợp lý, mang tính cạnh tranh cao.
7- Tổ chức thu mua kịp thời nhanh chóng, linh động.
8- Nhân viên kỹ thuật – thu mua phải có nghiệp vững vàng và phải nhã nhặn, mềm dẽo có nhân cách trong ứng xử.
9- Thường xuyên tổ chức các hội nghị sản xuất, hội nghị đầu bờ, qua đó sẻ tăng thêm kỹ năng sản xuất thuốc lá cho người nông dân đồng thời thắt chặc mối quan hệ tốt giữa nhà đầu tư và nông dân.
10- Có chế độ khen thưởng kịp thời đối với những nông dân sản xuất giỏi, bằng các chương trình khuyến nông khuyến học….
11- Tổ chức cho nông dân đi thăm quan cơ sở vật chất – qui mô sản xuất kinh doanh của đơn vị, sẻ tạo hình ảnh tốt trong nông dân. Nông dân sẻ an tâm hơn khi nhận đầu tư của đơn vị.
12- Tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương.
► Khi làm tốt các biện pháp trên thì sẻ mua hết được sản phẩm và khi đó vừa thu hồi công nợ dễ dàng, vừa tạo được niềm tin đối nông dân.

Câu 7: Bạn giải quyết như thế nào khi trong tổ còn những ý kiến bất đồng về biện pháp chỉ đạo kỹ thuật trong tổ do bạn quản lý.
Trả lời:
Những bất đồng này sẻ không xảy ra nếu có một “Qui trình kỹ thuật” chuẩn được phê duyệt và thống nhất chung trong toàn Công ty. Việc xử lý các tình huấn phát sinh phải linh động cho phù hợp với thực tế từng vùng nhưng cũng không được đi ngược lại Qui trình kỹ thuật đã thống nhất.

Làm được:
Câu 1: Mô tả kỹ thuật làm vườn ươm, chăm sóc cây con ở vườn ươm và bầu. như Biết câu 1-bậc1 và Làm được câu 2 -bậc 2

Câu 2: Mô tả kỹ thuật thu hái, xâu ghim, buộc sào, vào lò và quy trình sấy thuốc lá. Như Làm được câu 2-bậc 4

Câu 3: Xử lý tình huống chỉ đạo kỹ thuật trong dịp cây thuốc lá ở ruộng sản xuất vào thời điểm 70-80 ngày bị mưa lớn kéo dài. Trả lời:
Thời điểm 70 – 80 ngày là lúc cây đang thu hoạch lá nách dưới. Gặp mưa kéo dài là đều vô cùng bất lợi cho chất lượng sản phẩm.
- Trườg hợp ruộng không rút được nước thì cây sẻ héo úa vàng. Khi dứt mưa đất khô ráo, kiểm tra hệ thống rễ. Nếu bộ rễ bị hủy hoại hoàn toàn thì tranh thủ bẻ sấy tận thu. Nếu bộ rễ chỉ hư hại một phần thì cũng bẻ sấy tận thu đồng thời tiến hành cày xả hai bên luống phơi vài ngày, tưới chất kích thích ra rễ, xới xáo vun luống cao hơn để khôi phục lại bộ rễ. Thiệt hại này do sai sót trong việc thiết kế đông ruộng.
- Nếu ruộng rút nước tốt, lá đang đúng độ chín thì khi đất vừa ráo nước tiến hành bẻ sấy ngay trước khi cây hút đạm đưa lên lá. Thực hiện qui trình ủ vàng với lá thừa nước như Biết câu 4 – bậc 5. Nếu lá chưa đúng độ chín thì tiến hành bón dung dịch MgSO4 0,5 – 1% để cân bằng lượng đạm thừa trong cây. Sau đó canh tác như bình thường.

Câu 4: Xử lý tình huống 1 cán bộ kỹ thuật không tiếp cận được với các hộ nông dân để ký hợp đồng hoặc chỉ đạo kỹ thuật.
Trả lời: Cần tìm hiểu xem nguyên nhân do khách quan hay ý thức chủ quan của nhân viên đó.
- Nếu là nguyên nhân khách quan, thì tùy vào tình hình thực tế mà có hướng giải quyết, giúp đỡ phù hợp.
- Nếu do ý thức chủ quan thì nhắc nhở kiểm điểm nội bộ để sửa chửa. Nếu vẫn vậy thì báo về Công ty để xin hướng giải quyết.

Câu 5: Trình bày phương án làm việc với chính quyền xã để mở vùng, mở rộng vùng trồng cây thuốc lá. Trả lời:
- Trước tiên phải đi thực tế khảo sát về tính khả thi để phát triển vùng nguyên liệu ở địa phương đó về thổ nhưỡng đất đai, khí hậu thời tiết, tính cách người nông dân, cơ cấu cây trồng.
- Tiếp theo phải có Mẫu hợp đồng đầu tư, phương án đầu tư phát triển vùng được Công ty phê duyệt. (Nội dung phương án đầu tư cơ bản giống kế hoạch đầu tư, bổ sung thêm phần đầu tư phát triển ổn định lâu dài, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng thuốc lá, cam kết bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, cam kết ủng hộ ngân sách địa phương bằng hợp đồng trách nhiệm)
- Có giấy giới thiệu của Công ty.
- Tiếp xúc thông qua người quen hoặc đăng ký làm việc với chính quyền xã.

Câu 6: Trình bày phương án phối hợp với Phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn Huyện để phát triển cây thuốc lá trên địa bàn huyện. Giống như làm việc với chính quyền xã.

Câu 7: Nhận dạng, phòng trừ công trùng hại thuốc lá trong kho. Như Hiểu câu 7

Câu 8: Bạn hiểu thế nào về mối quan hệ trong việc xử lý các tình huấn xảy ra giữa bộ phận mình phụ trách với các bộ phận khác trong công ty.

Trả lời: Các mối quan hệ khi xử lý công việc trông công tác:

- Đối với bộ phận trực tiếp sản xuất Ban giám đốc trực tiếp chỉ đạo các tổ sản xuất hoăc ủy quyền cho trợ lý kỹ thuật. Các tổ sản xuất báo cáo công việc liên quan trực tiếp đến BGĐ hoăc trợ lý kỹ thuật và các phòng kế hoạch, kế toán tùy thuộc vấn đề liên quan hoặc theo đề nghị của các phòng chức năng.

- Phòng kế hoạch, kế toán và bộ phận Tổ chức -hành chính: BGĐ chỉ đạo trực tiếp và và các bộ phận chức năng báo cáo trực tiếp đến BGĐ tiến độ, kết quả sản xuất kinh doanh, nhân sự và các vấn đề liên quan. Bộ phận chức năng phối hợp cùng trợ lý kỹ thuật quản lý các tổ sản xuất theo chức năng quyền hạn được GĐ phân công và có quyền yêu cầu các tổ sản xuất báo cáo các vấn đề liên quan đễn chức năng quản lý của mình.
Trực tiếp Chỉ đạo
BAN GIÁM ĐỐC ------------> TỔ SẢN XUẤT
(Trợ lý kỹ thuật) <------------
Báo cáo


PHÒNG. Chỉ đạo – Phối hợp Quản lý
KẾ HOẠCH ----------------> TỔ SẢN XUẤT
<----------------
Báo cáo

PHÒNG. Hướng dẫn – Phối hợp Quản lý
KẾ TOÁN --------------------> TỔ SẢN XUẤT
<--------------------
Báo cáo – Phối hợp


TỔ CHỨC Hướng dẫn – Phối hợp Quản lý
--------------------> TỔ SẢN XUẤT
<--------------------
HÀNH CHÍNH Báo cáo – Phối hợp



ĐÁP ÁN ĐẾN ĐÂY LÀ KẾT THÚC - CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG - MỌI GÓP Ý VUI LÒNG GỞI VỀ EMAIL: ngocson@khatoco.com - XIN CHÂN THÀNH CÁM ƠN SỰ HỢP TÁC CỦA CÁC BẠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét