Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Bón phân hợp lý cho cây trồng

Nước, phân bón và bảo vệ thực vật là ba yếu tố cơ bản để tăng năng suất, chất lượng của cây trồng. Xử dụng nước, phân, thuốc BVTV hợp lý còn để tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.
Một người làm công việc kỷ thuật nông nghiệp hay một nông dân cần phải biết chắc chắn kỷ năng xử dụng khoa học nước, phân, thuốc BVTV để áp dụng vào sản xuất.
Lần lượt các bài đăng sẽ đề cập các vấn đề trên
Đầu tiên là phân bón:
Bón phân là biện pháp kỷ thuật phổ biến, thường mang lại hiệu quả lớn, nhưng cũng chiếm phần khá cao trong sản xuất nông nghiệp.Vì vậy xử dụng phân bón thế nào để hiệu quả nhất sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con nông dân.

Bón phân là một trong những biện pháp kỹ thuật được thực hiện phổ biến, thường mang lại hiệu quả lớn, nhưng cũng chiếm phần khá cao trong chi phí sản xuất nông nghiệp . Bón phân để cung cấp thức ăn cho cây, cung cấp phân hợp lý sẽ tránh lãng phí, tiết kiệm phân bón, công lao động và cây sẽ hấp thu tốt hơn, cho năng suất chất lượng cao hơn. Bón phân không chỉ tác động đến cây trồng mà còn tác động đến đất và vi sinh vật trong đất, nguồn nước.

Phần I. Bón phân hợp lý và hiệu quả của việc bón phân hợp lý
________________________________________

1. Thế nào là bón phân hợp lý

Bón phân hợp lý là sử dụng lượng phân bón thích hợp cho cây đảm bảo tăng năng suất cây trồng với hiệu quả kinh tế cao nhất, không để lại các hậu quả tiêu cực lên nông sản và môi trường sinh thái. Nói một cách ngắn gọn, bón phân hợp lý là thực hiện 5 đúng và một cân đối:

a. Đúng loại phân:
Cây cần phân gì bón đúng loại phân đó. Phân có nhiều loại. Mỗi loại có những tác dụng riêng. Bón không đúng loại phân không những phân không phát huy được hiệu quả, mà còn có thể gây ra những hậu quả xấu.
Bón đúng loại phân không những phải tính cho nhu cầu của cây mà còn phải tính đến đặc điểm và tính chất của đất. Đất chua không bón các loại phân có tính axit. Ngược lại, trên đất kiềm không nên bón các loại phân có tính kiềm.

b) Bón đúng lúc:
Nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng của cây thay đổi tuỳ theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có nhiều giai đoạn sinh trưởng cây cần đạm nhiều hơn kali, có nhiều giai đoạn cây cần kali nhiều hơn đạm. Bón đúng thời điểm cây cần phân mới phát huy được tác dụng.
Cây trồng cũng như các loài sinh vật khác, có nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng thường xuyên, suốt đời. Vì vậy, để cho cây có thể sử dụng tốt các loại phân bón, tốt nhất là chia ra bón nhiều lần và bón vào lúc cây hoạt động mạnh. Bón tập trung vào một lúc với nồng độ và liều lượng phân bón quá cao, cây không thể sử dụng hết được, lượng phân bị hao hút nhiều, thậm chí phân còn có thể gây ra những tác động xấu đối với cây.

c. Bón đúng đối tượng:
Trong cách hiểu thông thường bón phân là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Vì vậy, đối tượng của việc bón phân là cây trồng.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, một lượng khá lớn chất dinh dưỡng của cây, nhất là các nguyên tố vi lượng, cây được tập đoàn vi sinh vật đất cung cấp thông qua việc phân huỷ các chất hữu cơ hoặc cố định từ không khí. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy bón phân để kích thích và tăng cường hoạt động của tập đoàn vi sinh vật đất cho phép cung cấp cho cây một lượng chất dinh dưỡng dồi dào về số lượng và tương đối cân đối về các chất. Trong trường hợp này thay vì bón phân nhằm vào đối tượng là cây trồng, có thể bón phân nhằm vào đối tượng là tập đoàn vi sinh vật đất.
Trong một số trường hợp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt tạo nên nguồn thức ăn dồi dào cho sâu bệnh tích luỹ và gây hại nặng. Càng bón thêm phân, cây lại sinh trưởng thêm, sâu bệnh lại phát sinh nhiều hơn và gây hại nặng hơn. Ở những trường hợp này, bón phân cần nhằm đạt mục tiêu là ngăn ngừa sự tích luỹ và gây hại của sâu bệnh.
Bón phân trong một số trường hợp có tác dụng làm tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với các điều kiện không thuận lợi trong môi trường và với sâu bệnh gây hại. Đặc biệt các loại phân kali phát huy tác dụng này rất rõ. Như vậy, bón phân không phải lúc nào cũng là để cung cấp thêm chất dinh dưỡng, thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Có những trường hợp phải tác động theo chiều hướng ngược lại: cần kìm hãm bớt tốc độ tăng trưởng và phát triển của cây trồng, làm tăng tính chống chịu của chúng lên.
Ở phần trên đã trình bày là trong các hệ sinh thái, tồn tại và hoạt động 3 nhóm các mối liên hệ: thông tin, năng lượng và vật chất.
Trong các mối liên hệ này, liên hệ vật chất có liên quan đến việc vận động, chuyển hoá một khối lượng vật chất lớn. Các mối liên hệ thông tin và năng lượng trong nhiều trường hợp chỉ cần những tác động nhẹ với những lượng vật chất không lớn có thể tạo ra những phản ứng và hiệu quả lớn. Bón phân là đưa vào hệ sinh thái nông nghiệp những yếu tố mới và có tác động lên các mối liên hệ. Cho đến nay, trong việc bón phân người ta chỉ mới chú ý đến các mối liên hệ vật chất, đến trao đổi chất. Trong thực tế, phân bón có thể có những tác động sâu sắc trong các mối liên hệ thông tin và năng lượng. Phát hiện được tác dụng của phân bón lên các mối liên hệ thông tin và năng lượng, có thể với lượng phân bón không nhiều, tạo ra những hiệu quả to lớn và tích cực trong việc tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Như vậy, đối tượng của phân bón không chỉ có cây trồng, tập đoàn vi sinh vật đất, mà còn có cả toàn bộ các thành tố cấu thành nên hệ sinh thái nông nghiệp. Chọn đúng đối tượng để tác động, có thể mở ra những tiềm năng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả của phân bón.

d. Đúng thời tiết, mùa vụ
Thời tiết có ảnh hưởng đến chiều hướng tác động và hiệu quả của phân bón. Mưa làm rửa trôi phân bón gây lãng phí lớn. Nắng gắt cùng với tác động của các hoạt động phân bón có thể cháy lá, hỏng hoa, quả.
Trong điều kiện khí hậu, thời tiết và sản xuất của nước ta đối với các loại cây ngắn ngày, mỗi năm có 3 - 4 vụ, thậm chí 8 - 9 vụ sản xuất. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây trồng ở từng vụ có khác nhau, cho nên nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng cũng như phản ứng đối với tác động của từng yếu tố dinh dưỡng cũng khác nhau.
Lựa chọn đúng loại phân, dạng phân và thời vụ bón hợp lý có thể nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón. Việc sử dụng đúng các loại phân phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết mùa vụ đã được trình bày một phần ở phần II của sách này.

e. Bón đúng cách
Có nhiều phương pháp bón phân: bón vào hố, bón vào rãnh, bón rải trên mặt đất, hoà vào nước phun lên lá, bón phân kết hợp với tưới nước, v.v...
Có nhiều dạng bón phân: rắc bột, vo viên dúi vào gốc, pha thành dung dịch để tưới.
Có nhiều thời kỳ bón phân: bón lót, bón thúc đẻ nhánh, thúc ra hoa, thúc kết quả, thúc mẩy hạt, v.v...
Lựa chọn đúng cách bón thích hợp cho loại cây trồng, cho vụ sản xuất, cho loại đất, v.v... có thể làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón lên gấp nhiều lần.
Cách bón thích hợp vừa đảm bảo tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả phân bón, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng cơ sở sản xuất, phù hợp với từng trình độ của người nông dân.

g. Bón phân cân đối
Cây trồng có yêu cầu đối với các chất dinh dưỡng ở những lượng nhất định với những tỷ lệ nhất định giữa các chất. Thiếu một chất dinh dưỡng nào đó, cây sinh trưởng và phát triển kém, ngay cả những khi có các chất dinh dưỡng khác ở mức thừa thãi.



Các nguyên tố dinh dưỡng không chỉ tác động trực tiếp lên cây mà còn có ảnh hưởng qua lại trong việc phát huy hoặc hạn chế tác dụng của nhau.
Đối với mỗi loại cây trồng có những tỷ lệ khác nhau trong mức cân đối các yếu tố dinh dưỡng. Tỷ lệ cân đối này cũng thay đổi tuỳ thuộc vào lượng phân bón được sử dụng. Tỷ lệ cân đối giữa các nguyên tố dinh dưỡng cũng khác nhau ở các loại đất khác nhau.
Điều cần lưu ý là không được bón phân một chiều, chỉ sử dụng một loại phân mà không chú ý đến việc sử dụng các loại đất khác.
Bón phân không cân đối không những không phát huy được tác dụng tốt của các loại phân, gây lãng phí mà còn có thể gây ra những tác dụng không tốt đối với năng suất cây trồng và đối với môi trường.
Bón phân cân đối có các tác dụng tốt là:
- Ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của chất, bảo vệ đất chống rửa trôi, xói mòn.
- Tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả của phân bón và của các biện pháp kỹ thuật canh tác khác.
- Tăng phẩm chất nông sản.
- Bảo vệ nguồn nước, hạn chế chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của con người về vật chất, nông nghiệp còn đáp ứng nhu cầu của con người được lao động, được tiếp xúc với thiên nhiên, được khám phá những điều bí ẩn của tự nhiên. Bón phân không hợp lý thường để lại trong môi trường đất, nước, không khí những dư lượng phân bón có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, đến tâm trạng con người. Càng ngày việc thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần của con người càng tăng lên. Vai trò của nông nghiệp trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống, ổn định xã hội cũng ngày một được nâng cao.
Bón phân hợp lý không những phát huy đến mức cao hiệu quả của phân bón mà còn đảm bảo cho môi trường trong lành và thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng tiến bộ.

________________________________________

2. Hiệu quả của bón phân hợp lý

a. Nâng cao giá trị sản xuất thu được trên đơn vị diện tích là một trong những cách làm giàu của nông dân. Giá trị tạo được trên từng đơn vị diện tích có thể được thực hiện thông qua đa dạng hoá sản phẩm, lựa chọn cơ cấu cây trồng hợp lý và tăng năng suất tất cả các loại cây trồng trong cơ cấu.
Bón phân hợp lý góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tạo điều kiện làm giàu cho nông dân trên cơ sở các ưu điểm sau đây:
- Tạo cơ sở cho việc đa dạng hoá sản xuất trên từng đơn vị diện tích. Một chế độ bón phân hợp lý, có thể với lượng phân không nhiều đảm bảo cho nhiều loại cây trồng phát triển trong một năm sản xuất trên cơ sở các loại cây trồng có thể bù trừ bổ sung cho nhau về một số chất dinh dưỡng.
- Một chế độ bón phân hợp lý đảm bảo duy trì độ phì nhiêu của đất. Qua các vụ trồng trọt, đất không bị kiệt quệ, tiêu hao chất dinh dưỡng mà trái lại độ phì nhiêu của đất được thực hiện trên cơ sở sau mỗi vụ trồng trọt các loại cây trồng để lại cho đất một lượng chất hữu cơ đáng kể. Mặt khác, chế độ bón phân hợp lý còn làm giàu thêm và tăng cường khả năng hoạt động của tập đoàn vi sinh vật có ích trong đất. Cùng với sự hoạt động sôi động của tập đoàn vi sinh vật, các chất dinh dưỡng của cây được giải phóng, chuyển sang dạng dễ tiêu, dễ sử dụng đối với cây trồng.
- Chế độ bón phân hợp lý và cân đối đảm bảo không ngừng cải thiện các đặc tính vật lý và sinh học của đất. Đất tốt nói chung, là loại đất giàu các chất dinh dưỡng, có kết cấu vật lý tốt, và có hoạt động sinh học cao. Ba đặc điểm này có liên quan mật thiết với nhau, là tiền đề và điều kiện của nhau. Bón phân hợp lý không những chỉ chú ý đến việc cung cấp thêm các chất dinh dưỡng cho cây mà còn làm tốt thêm các đặc tính vật lý và sinh học của đất.
- Chế độ bón phân hợp lý góp phần nâng cao khả năng hoạt động và tính hữu ích của tập đoàn vi sinh vật đất. Tập đoàn vi sinh vật đất có vai trò rất to lớn và quan trọng trong chu trình chuyển hoá các chất. Tập đoàn vi sinh vật đất gồm rất nhiều loài thuộc các lớp, bộ sinh vật khác nhau: nấm, vi khuẩn, xạ khuẩn, tuyến trùng, v.v... Tuỳ thuộc vào hoạt động của tập đoàn sinh vật này mà chất hữu cơ trong đất được khoáng hoá nhanh hoặc chậm, cấu trúc của đất tốt hoặc xấu, chất dinh dưỡng cho cây ở trong đất nhiều hoặc ít.
Bón phân hữu cơ, ngoài việc cung cấp nguyên liệu chuyển hoá cho tập đoàn vi sinh vật, còn bổ sung thêm vào đất nhiều loài vi sinh vật mà ở trong đất các loài này có ít vì bị các loài vi sinh vật đối kháng tiêu diệt.
Bón phân vô cơ hợp lý tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho tập đoàn vi sinh vật tăng cường hoạt động.
- Bón phân hợp lý làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Thay vì có hệ số sử dụng phân bón hiện nay là 40 - 50%, bón phân hợp lý có thể nâng cao số sử dụng này lên 60 - 70% và cao hơn. Hiệu quả của phân bón không chỉ ở việc cung cấp trực tiếp chất dinh dưỡng cho cây mà còn ở nâng cao đặc tính vật lý của đất, tăng cường hoạt động của tập đoàn sinh vật trong đất. Tất cả những yếu tố này tạo điều kiện để tiết kiệm lượng phân bón được sử dụng trong sản xuất. Trong điều kiện chi phí cho phân bón chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí sản xuất, thì việc tiết kiệm trong sử dụng phân bón mang lại cho nông dân khoản tiền không nhỏ.
- Với những ưu điểm trình bày trên đây, bón phân hợp lý góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất cây trồng. Trên cơ sở đa dạng hoá sản xuất, tăng năng suất cây trồng đối với tất cả các loài trong cơ cấu, tạo nên nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Nếu như 1 hecta trồng lúa với năng suất 10 tấn/năm, cho thu nhập vào khoảng 15 triệu đồng Việt Nam, thì khi chuyển sang đa dạng hoá trồng trọt thu được trên 1 ha lên 40 - 50 triệu đồng, gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Trong số giá trị gia tăng này, bón phân hợp lý, có đóng góp vào khoảng 30 - 40%, có nghĩa là vào khoảng trên dưới 10 triệu đồng/ha/năm.

b. Một số điều cần chú ý khi thực hiện bón phân hợp lý
- Cần có cách nhìn tổng hợp, toàn diện: khi bón phân cho cây không thể chỉ xuất phát từ cách nhìn chật hẹp là cung cấp một số chất dinh dưỡng cho cây. Cần thấy rõ là bón phân có những tác động sâu sắc lên toàn bộ hệ sinh thái đồng ruộng.
Bón phân không thể chỉ nhắm vào việc làm tăng năng suất cây trồng mà còn phải thấy trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh tăng năng suất cây trồng, bón phân còn phải đảm bảo cho chất lượng nông sản tốt, nông sản phải "sạch", có nghĩa là không mang theo các chất ô nhiễm, các chất gây độc hại cho con người.
- Cần luôn ý thức được rằng: bón nhiều phân không hẳn đã tốt. Nồng độ phân hoá học cao có thể gây hại đối với cây. Cây trồng cũng như các loài sinh vật khác, có thể có những giới hạn chịu đựng nhất định, vượt qua giới hạn đó có thể bị huỷ hoại. Cây có thể có nhu cầu đối với một lượng phân bón không nhỏ, nhưng lượng phân đó phải được chia nhỏ ra cho cây hút nhiều lần. Tập trung vào bón một lần cây không những không hút được mà còn bị đầu độc, mặt khác lượng phân bón bị hao hụt nhiều do bay hơi, rửa trôi, cây cỏ dại hút mất v.v...
Bón một lượng phân quá lớn vượt quá nhu cầu của cây, lượng phân dư thừa không những bị lãng phí mà nhiều loài sinh vật trong hệ sinh thái đồng ruộng sử dụng lượng phân thừa đó để phát triển và cạnh tranh với cây trồng về không gian và các điều kiện sinh sống khác.
Vì vây, bón phân hợp lý cho cây là bón vừa đủ lượng phân theo nhu cầu của cây ở từng thời điểm.
- Trong nhiều trường hợp, năng suất cây trồng cao chưa hẳn đã đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện nền nông nghiệp hàng hoá, sản xuất nông sản chỉ có thể được chấp nhận khi giá bán nông sản phải cao hơn giá thành sản xuất và người nông dân phải có lãi.
Phân bón thường mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi lượng phân sử dụng hợp lý. Hiệu quả kinh tế này tăng dần lên đến một giới hạn nào đó. Giới hạn này cao hoặc thấp tuỳ thuộc vào đặc điểm của giống, vào đất đai và các yếu tố kỹ thuật canh tác khác. Vượt qua giới hạn đó, hiệu quả kinh tê của phân bón giảm dần cho đến khi không còn hiệu quả nữa và sau đó là lỗ.
Bón phân làm tăng năng suất cây trồng. Trong những giới hạn xác định, năng suất cây trồng tăng lên, hiệu quả kinh tế của sử dụng phân bón cũng tăng lên. Tiếp tục tăng lượng phân bón, năng suất cây trồng có thể tiếp tục tăng cao hơn, nhưng ở phạm vi này, hiệu quả kinh tế của phân bón giảm xuống. Sau đó càng tăng thêm lượng phân bón, hiệu quả kinh tế của phân càng giảm.
Bón phân hợp lý là tìm ra lượng phân bón thích hợp để vừa đạt năng suất cây trồng, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế của sử dụng phân bón cao nhất.
- Không nên để cho cây quá kiệt quệ rồi mới bón phân.
Cây trồng là những cơ thể sống. Chúng chỉ tiếp nhận những chất cần thiết từ môi trường bên ngoài khi cơ thể ở trong trạng thái bình thường, các chức năng và hoạt động sinh lý của cây tiến hành không trở ngại.
Khi cây bị thiếu dinh dưỡng, trong cây diễn ra nhiều quá trình sinh lý, sinh hoá không bình thường. Để đảm bảo cho cây duy trì sự sống, các chất dự trữ, các dạng năng lượng đều được huy động để duy trì sự sống của cây, cây ở trong trạng thái bệnh lý. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi cây trồng bị sâu bệnh gây hại nặng.
Bón phân hợp lý là sử dụng phân bón đúng lúc không để cho cây rơi vào tình trạng kiệt quệ do thiếu dinh dưỡng. Khi cây đã rơi vào trạng thái kiệt quệ, việc bón phân không thể giải quyết như cây ở trong trạng thái bình thường mà cần lựa chọn loại phân, liều lượng phân bón và thời gian bón thích hợp.
- Cây trồng sử dụng phân bón trong suốt thời gian sinh trưởng. Vì vậy cây chia ra làm nhiều lần để bón mới phát huy được tác dụng của phân bón ở mức cao.
Trong thực tế sản xuất, vì nhiều lý do khác nhau người nông dân không thể bón quá nhiều lần cho cây mà thường tập trung vào một số lần để bón, thông thường là 2 - 4 lần trong một vụ đối với các loại cây ngắn ngày.
Bón tập trung ít lần với những lượng phân bón lớn có thể gây ra nhiều tác hại đối với cây trồng, đối với môi trường sinh thái. Vì vậy, bón phân hợp lý yêu cầu chia lượng phân bón ra làm nhiều lần để bón. Càng nhiều lần càng tốt, nhất là khi có những điều kiện thuận lợi cho phép bón phân làm nhiều lần.

c. Một số việc cần làm để thực hiện bón phân hợp lý
- Trước hết người nông dân cần có sổ tay hoặc cẩm nang phân bón. Sổ tay hoặc cẩm nang phân bón được các nhà xuất bản in ấn nhiều lần và được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi. Nông dân muốn đạt hiệu quả cao trong trồng trọt, muốn tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón cần mua và biết cách sử dụng sổ tay (cẩm nang phân bón).
Cần nhận thức được là cẩm nang phân bón không phải là bài thuốc vạn năng có thể phát huy hiệu lực và đảm bảo hiệu quả cao ở mọi lúc và mọi chỗ. Những điều kiện trình bày trong sổ tay (cẩm năng) là những yếu tố chung nhất, tiêu biểu nhất, là những số liệu trung bình của hàng trăm nghìn trường hợp được khảo sát và nghiên cứu. Thực tế sản xuất thường đa dạng và phong phú gấp nghìn triệu lần những gì đã viết trong sách.
Vì vậy, có sổ tay (cẩm nang) là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn là biết cách sử dụng tốt những điều được viết trong sách. Sử dụng tốt những điều đã viết trong sách trước hết là phải trân trong nó, coi đó là những mẫu mực để tìm cách sử dụng ở mức cao nhất vào hoạt động thực tế của mình. Trên cơ sở những điều đã viết trong sách liên hệ, đối chiếu với những gì đã và đang xảy ra trong thực tế sản xuất của mình để tìm ra những kết luận cần thiết cho hành động thực tế.
- Cần có những hiểu biết càng đầy đủ càng tốt về thời tiết, khí hậu, về đất đai, về cây trồng ở nơi tiến hành sản xuất.
Những người nông dân có kinh nghiệm thường khuyên lớp trẻ là muốn bón phân có hiệu quả phải nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây mà bón. Điều này cho thấy, những người nông dân sản xuất giỏi đã ý thức khá rõ việc bón phân muốn mang lại kết quả tốt cần phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết và nhu cầu của cây.
Về đặc điểm của đất đai, người nông dân có thể phát hiện dần qua quá trình trồng trọt nhiều năm trên mảnh ruộng của mình. Cái cần đối với người nông dân là độ phì nhiêu thực tế của ruộng vườn. Độ phì nhiêu thực tế tuỳ thuộc nhiều vào chế độ canh tác, vào cây trồng những năm trước đây, nhất là ở vụ trực tiếp trước đó.
Khí hậu thời tiết diễn biến hàng năm có thể lấy và tham khảo các tài liệu của trạm khí tượng trong vùng. Điều quan trọng là những diễn biến cụ thể của tiểu khí hậu và vi khí hậu trên ruộng, vườn của người nông dân. Những tư liệu về tiểu khí hậu và vi khí hậu cần được người nông dân tích lũy và ghi chép lại qua quá trình sản xuất thực tế của mình. Cần lưu ý là thời tiết khí hậu thường diễn biến theo chu kỳ. Những hiện tượng đột xuất như giá rét, bão, sương muối thường xảy ra theo chu kỳ nhiều năm, có khi hàng chục năm mới trở lại. Những hiện tượng thông thường như mưa, nắng, gió nhẹ, v. v... thường diễn biến theo chu kỳ ngắn hơn, cứ vài ba năm trở lại một lần. Thông thường, khí hậu thời tiết của 2 năm kế tiếp nhau không giống nhau. Vì vậy, những gì xảy ra năm nay thì năm sắp tới thường ít khi lặp lại.
Về cây trồng, điều người nông dân cần nắm được là giống cây. Gần đây, chúng ta đưa nhiều giống mới vào sản xuất. Người nông dân khi đưa một giống về sản xuất trên ruộng của mình cần nắm được xuất xứ của giống, những yêu cầu và đặc điểm của giống, đặc biệt là các nhu cầu về chất dinh dưỡng. Nguồn gốc của giống, thường bao hàm những đặc điểm cơ bản của giống vì mỗi giống cây được tạo ra thường mang lại các đặc tính của bố mẹ và mang những đặc điểm của khí hậu đất đai nơi giống đó được tạo ra.
Những đặc điểm của giống cây người nông dân có thể yêu cầu người bán giống cung cấp. Cần tránh gieo trồng những giống cây không rõ lý lịch, không có nguồn gốc. Không sử dụng các giống cây được mua bán trôi nổi trên thị trường.
- Để có thể bón phân hợp lý cần theo dõi và nắm sát trạng thái của cây trên đồng ruộng.
Những biểu hiện thành triệu chứng và trạng thái của cây thể hiện ra bên ngoài phản ánh khá trung thực quá trình sinh trưởng phát triển của cây và những phản ứng của cây đối với các yếu tố thuận lợi cũng như bất lợi trong môi trường và điều kiện sống của nó. Ví dụ, cây thiếu đạm phát triển còi cọc, lá chuyển sang vàng, cây thừa đạm lá có màu xanh sẫm, lá mềm lướt, v.v...